Y tế thông minh, bệnh nhân hưởng lợi

0

TP HCMBệnh viện Nhi đồng 1 số hóa hầu hết chứng từ như giấy chuyển viện, tờ điều trị, bác sĩ kê toa thuốc, thí điểm bệnh án điện tử, áp dụng quy trình khám bệnh tiện lợi cho bệnh nhân.

TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết như trên khi làm việc với Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP HCM về đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030, sáng 25/10.

Đề án này do UBND TP HCM ban hành, mục tiêu triển khai chuyển đổi số hướng đến xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế, giúp dự báo và xây dựng chiến lược, nâng cao chất lượng quản lý và chăm sóc sức khỏe người dân. Trong đó, nổi bật là tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, quản lý dịch bệnh bằng nền tảng số, hệ thống điều hành cấp cứu thông minh…

Sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm nay, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng xác định triển khai hiệu quả đề án y tế thông minh là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành y tế thành phố sắp tới. Do đó, Sở sẽ thành lập Phòng Công nghệ thông tin để chuyên biệt hóa mục tiêu này.

Trên thực tế thời gian qua, nhiều bệnh viện TP HCM đã triển khai y tế thông minh nhưng gặp nhiều khó khăn do không có kinh phí, đội ngũ nhân lực để vận hành. Như Bệnh viện Nhi đồng 1, đã 10 năm ứng dụng công nghệ thông tin cho “y tế thông minh”, theo từng giai đoạn. PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, bày tỏ “ngưỡng mộ”, đánh giá Nhi đồng 1 “là một trong những bệnh viện hiếm hoi của thành phố làm được ‘cây nhà lá vườn’, tự xây dựng, hoàn thiện hệ thống mà không nhờ đơn vị nào”.

Nhi đồng 1 là một trong ba bệnh viện nhi lớn tại TP HCM và tuyến cuối ở miền Nam. Trung bình mỗi ngày bệnh viện khám 5.000 bệnh nhân, cao điểm lên 8.200. Số bệnh nhân nội trú trung bình 1.500, cao điểm gần 2.200. Hiện nay mùa cao điểm bệnh hô hấp, sốt xuất huyết số bệnh nhân tăng cao, ví dụ ngày 24/10 điều trị nội trú khoảng 1.800 trẻ. Tỷ lệ bệnh nặng ngày càng tăng, bệnh viện nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong, hiện còn 0,3%.

Với số lượng lớn bệnh nhân và đều là trẻ nhỏ như trên, việc vận hành bệnh viện hiệu quả được lãnh đạo Nhi đồng 1 đánh giá là nhờ ứng dụng công nghệ thông tin thời gian qua. Theo ông Minh, nền tảng y tế thông minh tại Nhi đồng 1 gồm chuyển đổi số và y tế thông minh. Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng số y tế (phần cứng), dữ liệu dùng chung trong lĩnh vực y tế, bệnh án điện tử, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, kê đơn thuốc – liên thông đơn thuốc.

Bệnh viện triển khai các ứng dụng tiện ích cho người bệnh (tương tác với người bệnh, thẻ khám bệnh thông minh, thanh toán điện tử), khám chữa bệnh (ứng dụng telemedicine và AI trong telemedicine, IAI và robot trong phẫu thuật, máy học trong thực hành kê đơn, chuỗi cung ứng, giám sát tồn kho, blockchain chứng sinh, kết quả xét nghiệm)…

Cụ thể, từ năm 2010, bệnh viện số hóa đơn thuốc bác sĩ kê cho bệnh nhân, nâng cao chất lượng kê đơn và giảm tối thiểu sai sót khi kê đơn. “Đông bệnh nhân, một buổi sáng bác sĩ có thể khám 80-100 bệnh nhân, công cụ này giúp bác sĩ hạn chế tối đa sai sót”, ông Minh cho biết. Phần mềm kê đơn thuốc có hệ thống nhắc nhở về chống chỉ định, thực phẩm chức năng, cảnh báo về tương tác thuốc, tác dụng phụ, liều dùng, cách pha và bảo quản. Ngoài ra, ứng dụng còn cảnh báo thuốc “Nghe giống nhau”, để bác sĩ điều chỉnh thuốc kê toa phù hợp, cảnh báo dạng bào chế không phù hợp, hoặc thuốc được kê toa không phù hợp phác đồ điều trị…

“Công cụ này rất hiệu quả trong 10 năm qua, giúp bác sĩ luôn ý thức ‘lúc nào cũng có người đang giám sát kê đơn, tuân thủ’ khi khám cho bệnh nhân”, phó giám đốc bệnh viện chia sẻ.

Ở khu vực ngoại trú, quy trình khám bệnh tiện lợi, gọi là quy trình “một điểm dừng” theo thứ tự tiếp nhận – khám bệnh – xét nghiệm – kê đơn – lãnh thuốc – thanh toán một lần. Theo đó, bệnh nhân không phải đóng tiền nhiều lần, không phải di chuyển nhiều, giảm thời gian chờ đăng ký, tiếp nhận, khám bệnh.

Cách đây hơn 10 năm, bệnh viện bắt đầu triển khai số hóa scan chứng từ BHYT, giấy hẹn khám lại, giấy nghỉ hưởng BHXH. Hiện, bệnh viện tự động hóa lấy số thứ tự đăng ký khám, thực hiện xét nghiệm, tra cứu giá, ki-ốt lấy số thứ tự đăng ký tự động, ki-ốt lấy số thứ tự làm xét nghiệm, ki-ốt tra cứu giá khám chữa bệnh để bệnh nhân có thể tra cứu nhanh. Đăng ký khám bệnh trực tuyến qua web, điện thoại, mobile app, vào bệnh viện có ki-ốt tiếp nhận và thanh toán nhanh, không cần phải qua quầy tiếp nhận xếp hàng.

Bệnh nhân không dùng tiền mặt mà thanh toán qua thẻ, app, QR Code, POS… Năm ngoái, bệnh viện triển khai giải pháp thanh toán qua QR động, bệnh nhân chỉ cần cầm giấy chỉ định của bác sĩ thay vì đi đóng tiền ở quầy thì tự scan QR Code trong giấy chỉ định để đóng tiền, rất thuận lợi.

Ki-ốt tiếp nhận bệnh nhân và thanh toán nhanh, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, sáng 25/10. Ảnh: Lê Phương

Ở khu vực điều trị nội trú, bệnh viện số hóa hầu hết chứng từ, giấy tờ chuyên môn như biên bản hội chẩn, giấy chuyển tuyến, tờ điều trị; chuyển đổi số hoạt động quản lý, giám sát; thí điểm bệnh án điện tử 4 khoa và dự kiến hai năm tới triển khai toàn viện. Các khoa phòng, đơn vị đều trang bị chữ ký số.

Trong khâu quản lý bệnh nhân, bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện bảng kiểm an toàn phẫu thuật. Để giảm nguy cơ nhầm người bệnh, nhầm bộ phận phẫu thuật, mỗi bệnh nhân mang lắc đeo tay có mã vạch, trước khi vào phòng mổ, trước khi rạch da hay phát thuốc sẽ được tra mã vạch… Phần mềm quản lý giường bệnh, máy thở, trong bối cảnh quá tải giường bệnh, giúp bác sĩ biết khoa nào còn bao nhiêu giường, bao nhiêu máy thở.

Ngoài ra, các phần mềm duyệt thuốc online, giám sát sử dụng kháng sinh, quản lý y lệnh, cấp phát thuốc tại khoa dược. Phần mềm giám sát kho thuốc thông minh với kiểm soát vào ra như sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, vân tay để xác thực mở cửa kho, giám sát trạng thái cửa đóng hay mở.

Bệnh viện Nhi đồng 1 là một trong những bệnh viện đầu tiên trong cả nước tự xây dựng phần mềm đấu thầu thuốc thông minh, số hóa toàn bộ công đoạn của quy trình đấu thầu thuốc.

TS.BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, chia sẻ: “Làm việc tại đây 34 năm, tôi cảm nhận được giá trị chuyển đổi trong công việc của mình”. Ông nhớ hồi mới về viện, cái gì cũng thủ công, dần dần bệnh viện thay đổi rất nhiều. Đến nay, bệnh viện đã triển khai nhiều thứ, xây dựng nhiều ứng dụng. Y tế thông minh, công nghệ phát triển, đối tượng phục vụ đầu tiên là người bệnh. Ngoài ra, bác sĩ, nhân viên y tế được giải phóng khỏi nhiều công việc thủ công trước kia để có thời gian tập trung chuyên môn, có thời gian nghỉ ngơi hơn.

Tuy vậy, quá trình tiến tới y tế thông minh của Nhi đồng 1 gặp nhiều khăn. Trong đó, bài toán nhiều bệnh viện khác cũng gặp là thu hút, giữ chân nhân lực công nghệ thông tin do mặt bằng chung mức lương tại bệnh viện quá thấp. Chưa kể, nhiều máy móc trang thiết bị, phần mềm được bệnh viện xây dựng từ những năm 1994, được nâng cấp và bổ sung tính năng từ những năm 2003 đến nay, hệ thống phần mềm nhiều phần (module) và nhiều chức năng. Do đó, các phần mềm bị lỗi thời, hệ thống không mang tính tổng thể, các yêu cầu phát sinh được đáp ứng nhưng chỉ mang tính tạm thời.

“Việc nâng cấp, xây dựng một hệ thống mới khó khăn do lượng dữ liệu hiện tại của bệnh viện rất lớn, khó khăn trong việc chuyển đổi và tương thích dữ liệu sang hệ thống mới”, lãnh đạo Nhi đồng 1 cho biết. Máy tính không mua sắm kịp thời khi có phát sinh do nằm trong danh mục mua sắm tập trung của thành phố.

Do đó, lãnh đạo Nhi đồng 1 đề xuất xây dựng các hướng dẫn về pháp lý tạo điều kiện thuận lợi đầu tư hệ thống R1S/PACs – là thành phần quan trọng để thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử. Chi phí công nghệ thông tin cần được cơ cấu trong giá dịch vụ kỹ thuật để bệnh viện có đủ kinh phí đầu tư hạ tầng và các phần mềm ứng dụng triển khai.

Như đại diện Phòng công nghệ thông tin của Nhi đồng 1 chia sẻ, trong quá trình xây dựng, triển khai bệnh án điện tử, khó khăn nhất là phần chỉ định thuốc trong tờ điều trị. Còn các chứng từ hồ sơ khác thì về mặt kỹ thuật không quá khó.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 sử dụng máy tính không có CPU để kê đơn, không còn phải tìm CPU để ấn nút khởi động máy tính, nhờ giải pháp bo mạch điện tử nhỏ gọn giúp tiết kiệm kinh phí và bảo vệ môi trường, từ giữa năm 2016. Ảnh: Sở Y tế TP HCM
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 từ giữa năm 2016 đã sử dụng “máy tính không có CPU” để kê đơn, không còn phải tìm CPU để ấn nút khởi động máy tính, nhờ giải pháp bo mạch điện tử nhỏ gọn giúp tiết kiệm kinh phí và bảo vệ môi trường. Ảnh: Sở Y tế TP HCM

Dự kiến, Ban Văn hóa Xã hội HĐND làm việc với Bệnh viện Nhân dân 115 về xây dựng y tế thông minh vào ngày 27/10.

Hồi tháng 5, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM đặt hàng nhà khoa học, viện trường, doanh nghiệp các giải pháp ứng dụng công nghệ trong việc chăm sóc sức khỏe người dân như khám từ xa (telehealth); ứng dụng AI đọc kết quả X-quang phổi…

Mới đây, đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM khảo sát một số bệnh viện cũng như làm việc với Sở Y tế về thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *